Tin tức khác

Để nghề giáo bớt "quá khó khăn"

 (HQ Online)- Sẽ không thể hút được người tài nếu như đời sống của giáo viên còn khó khăn như hiện nay. Vì vậy rất nhiều ý kiến cho rằng, nghề sư phạm cũng nên nhận được sự ưu đãi như lực lượng vũ trang.

giao-vien-vung-cao
Làm sao để nghề giáo luôn có sức hấp dẫn riêng với thế hệ trẻ là trách nhiệm không chỉ của ngành giáo dục mà của cả xã hội. Ảnh minh họa, nguồn: Internet.

"Có bột mới gột nên hồ"

Không có sinh viên giỏi vào học đương nhiên sẽ khó cho ra lò những thầy cô giáo giỏi, đó là quan điểm của lãnh đạo nhiều trường ĐH, CĐ đào tạo sư phạm hiện nay.

Phát biểu tại Hội nghị Giáo dục đại học do Bộ GD-ĐT tổ chức vừa qua, ông Nguyễn Văn Tuấn- Giám đốc Sở GD-ĐT Nam Định cho rằng: Hiện đầu vào của sinh viên sư phạm không cao, học sinh có điểm trung bình cũng có thể vào được. Vì vậy, sau 4 năm đào tạo, các trường sư phạm phần lớn cũng chỉ cho ra những cử nhân "trung bình".

"Không thể đào tạo được thế hệ học sinh giỏi nếu bản thân những thầy cô giáo chưa giỏi. Học sinh dù có tư chất đến đâu mà không được những thầy cô giỏi dạy, cũng không thể thành tài", ông Nguyễn Văn Tuấn khẳng định.

"Thầy không giỏi, không chuẩn thì hệ lụy dạy dở, kém chất lượng, ảnh hưởng đến nhiều thế hệ học sinh”. Tuy nhiên, điều đáng báo động hơn cả là số sinh viên giỏi tốt nghiệp ngành sư phạm vốn đã hiếm hoi lại chọn nghề khác ngày sau khi rời xa giảng đường", đó là ý kiến của đại diện Sở GD-ĐT Bắc Ninh.

Nhắc đến sinh viên sư phạm hiện nay, nhiều nhà sư phạm đồng quan điểm: Hiện đang có sự "rớt giá thảm hại" trong công tác đào tạo này. Ai cũng hiểu rằng nguyên nhân đầu tiên và sâu xa nhất của tình trạng người học "chê" sư phạm đó là hiện nay chế độ đãi ngộ với nhà giáo còn bất cập, đời sống giáo viên còn quá khó khăn, nhất là ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa. Họ phải bươn chải trong cả công việc lẫn công cuộc mưu sinh. "Nghề giáo vừa cực nhọc vừa nghèo" là ý kiến của phần đông giáo viên tại hội nghị kể trên.

Ông Phạm Minh Hạc- nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã từng rất nhiều lần thốt lên rằng, đời sống giáo viên nước ta hiện còn quá khó khăn, do vậy đòi hỏi họ phải nâng cao tay nghề, phải sáng tạo trong dạy học là việc không dễ.

Do vậy theo một nghiên cứu mới được công bố của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, có đến 50% giáo viên khi được hỏi đều cho rằng, nếu được lựa chọn lại, họ sẽ không chọn nghề giáo!

Cần đãi ngộ xứng đáng

"Hiện nay, thu nhập của nhiều sĩ quan cấp úy ra trường vào khoảng 6- 7 triệu đồng, cao tương đương với nhiều giáo viên công tác 30 năm trong ngành sư phạm. Do vậy tôi cho rằng, nên trả lương nhà giáo như đối với lực lượng vũ trang để hút được người giỏi đến với ngành", là ý kiến đề xuất của ông Nguyễn Văn Tuấn- Giám đốc Sở GD-ĐT Nam Định. Đây cũng là ý kiến của nhiều đại biểu tham gia Hội nghị Giáo dục đại học do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 23-1-2013.

Cũng tại Hội nghị này, ông Nguyễn Văn Minh- Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội chia sẻ: Chúng ta quan tâm đến vấn đề đào tạo giáo viên. Phải thay đổi và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao này, vì đó là xương sống của sự phát triển. Phải quan tâm mọi cách để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, thu hút sinh viên giỏi, cùng với đó nâng cao chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, muốn làm được những điều này, phải giải trước tiên là bài toán thu nhập của giáo viên.

Đồng quan điểm trên, ông Trần Đắc Sử- Hiệu trưởng Đại học Giao thông vận tải Hà Nội cho biết: "Trong số các giải pháp để đổi mới giáo dục, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý phải ưu tiên hàng đầu. Cơ chế hiện nay chưa thu hút được sinh viên và giảng viên giỏi. Hiện có tình trạng giảng viên vẫn phải vừa dạy vừa mưu sinh. Vậy nên Nhà nước cần có chính sách đãi ngộ thỏa đáng, có như vậy mới mong thu hút được người giỏi".

Phát biểu tại Hội nghị Giáo dục đại học, ông Phạm Vũ Luận- Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết, Bộ GD-ĐT đã báo cáo với Chính phủ về chế độ, phụ cấp cho giáo viên, cán bộ quản lý, sau này khi có đề án tiền lương mới, chắc chắn vấn đề thu nhập của giáo viên sẽ được cải thiện. Vấn đề ở chỗ, ngoài chế độ tiền lương cho nhà giáo còn những việc quan trọng khác đòi hỏi ngành giáo dục phải làm ngay không được chờ. Đó là việc ngành giáo dục phải xem xét lại việc phát triển các trường sư phạm, thay đổi cách đào tạo để cho ra những sản phẩm đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp trồng người. Có cơ chế để thu hút học sinh giỏi vào trường sư phạm cũng như giải quyết được việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Minh Châu