Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng - Quảng Ngãi - Tin tức khác
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase
HTK Silde ngang

Tin tức khác

Mùa thi

muathi

Ăn uống, ngủ nghỉ như thế nào để đảm bảo sức khỏe cho thí sinh trong kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2012

1. Đây là thời kỳ các sĩ tử tăng tốc cho việc ôn thi ĐH-CĐ. Vấn đề sức khỏe được đặt ra. Theo bác sĩ, cần một chế độ dinh dưỡng như thế nào để đảm bảo sức khỏe ôn thi?

“Sức khỏe” đâu chỉ là chuyện có “một chế độ dinh dưỡng” như thế nào! Sức khỏe đâu chỉ nên quan tâm lúc học ôn thi ĐH-CĐ? Sức khỏe là một sự “sảng khoái” toàn diện về thể chất (physical), tâm thần (mental) và xã hội (social)!…Chế độ dinh dưỡng chỉ là một khía cạnh nhỏ của sự sảng khoái đó thôi. Trẻ không chỉ cần phải ăn đủ và ăn đúng, mà còn phải không thiếu không thừa. Ăn đầy đủ năng lượng (calori) và cân đối, tức đầy đủ các chất đạm, đường, dầu, rau trái. Trẻ còn cần không khí trong lành để hít thở. Và quan trọng hơn, cần một “không khí gia đình” êm ấm, không bị căng thẳng bởi sức ép của cha mẹ, ông bà, thầy cô giáo, buộc phải thế này thế khác. Nào phải thi cho đậu, nào phải đạt điểm cho cao, nào phải vào cho được trường này trường nọ! Để có sức khỏe ôn thi còn cần phải ngủ đầy đủ. Ngủ nhiều nữa là khác để đầu óc được thảnh thơi, tỉnh táo, tiếp nhận bài học dễ dàng. Chớ cứ ráng thức khuya mà học, cột tóc vào ghế mà học cho khỏi ngủ gục thì đầu óc càng mụ mẩm, dễ bị tâm thần về sau dù có đậu hai ba bằng tiến sĩ!

2. Theo Bác sĩ giữa việc ăn, ngủ, nghỉ có tác động như thế nào đến chuyện ôn thi của thí sinh. Đặc biệt là áp lực chọn trường, ngành dự thi?

Hai chuyện này đâu có ăn nhập gì với nhau! “Áp lực” chọn trường, ngành dự thi là một chuyện hết sức vô lý. Tại sao lại áp lực, lại ép buộc trẻ phải học ngành này ngành kia khi trẻ thích ngành khác? Có em học bác sĩ để cha mẹ vui lòng, sau đó bỏ nghề ra làm kinh doanh, giàu quá cỡ… cha mẹ vui lòng hơn! Có em học để làm luật sư, sau thành ca sĩ, tiếng tăm vang dội hơn nhiều. Ép dầu ép mỡ ai nỡ ép… “ngành”? Nghề này nghề kia nhiều khi do cái nghiệp mà ra. Cha mẹ sinh con trời sinh tính! Tôi cho rằng cha mẹ ngày nay không ai dại gì gây áp lực bất lợi cho trẻ. Nhiều trẻ đã bị tâm thần, đau khổ triền miên, ân hận cả đời, oán trách cha mẹ… vì đã “chọn nghiệp” sai, vì cha mẹ cưỡng ép v.v…

Ăn, ngủ, nghỉ… trong thời gian ôn thi là rất quan trọng. Bất cứ thi ngành nào, trường nào. Cơ thể ta như con ngựa kéo xe, có cho nó ăn đầy đủ, ngủ nghỉ đầy đủ… thì nó mới có sức mà kéo, nếu không nó bỏ ta ngang xương giữa đường thôi! Nhưng, tại sao phải đợi dến thời gian học thi mới lo chuyện ăn, ngủ, nghỉ… nhỉ? Nước đến chân mới nhảy thường khi không kịp!

3. Chế độ ăn uống hàng ngày cho các thí sinh như thế nào là hợp lý?

Không cần gì đặc biệt cả. Ngày thường thế nào thì những ngày ôn thi cũng thế thôi. Đừng có bày đặt nọ kia. Cả năm không ngó ngàng, tới ngày thi bày đặt vổ về như gà đá, gà chọi! Cứ đói thì ăn, khát thì uống. Thèm thứ gì ăn thứ đó, vì nhu cầu cơ thể đang cần, miễn là đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm! Học thi, cần nhất là “ăn” không khí trong lành. Sáng sớm, thể dục, tắm rửa, thở bụng - đưa hơi xuống huyệt “đan điền” - rồi ngồi vào học (nằm học, đi học, đứng học… cách nào cũng được, miễn là thấy thoải mái). Sau không khí là đường, nước và Vitamin C. Chỉ cần một vài ly chanh đường là đủ cho thí sinh ôn thi rồi vì trong chanh, cam, chuối, cóc… có nhiều viatmin C lắm. Tự pha lấy mà uống. Lại không tốn tiền. Đừng có bày đặt nhõng nhẽo, đòi mẹ phải khuấy cho, “người yêu” phải khuấy cho mới chịu uống! Mấy em bày đặt, kiểu cọ, thì thường thi rớt vì mất thì giờ, vì sinh sự. Thèm chè, cứ ăn chè; thèm trứng, cứ ăn trứng… Thịt, cá, trứng, sữa, đậu… đều có nhiều protein (chất đạm). Quen ăn món gì thì cứ ăn món đó. Lâu nay không uống sữa, học thi bày đặt uống sữa… thông minh, thế nào cũng sình bụng, đau bụng, ỉa chảy. “Thông minh” đâu không thấy chỉ thấy “ngu dốt” thêm! Các loại thuốc giúp trí nhớ nọ kia chủ yếu làm cho ỷ lại, mau quên!

4. Có nhiều trường hợp các thí sinh bị cha mẹ “ép” ăn uống quá mức cần thiết. Ngược lại, có nhiều thí sinh không được cha mẹ để ý đến chuyện ăn uống trong giai đoạn này. Vậy, lời khuyên của bác sĩ đối với cha mẹ thí sinh?

Hãy để trẻ tự nhiên. Tự nhiên thì bao giờ cũng sảng khoái hơn là bị ép buộc. Không gì khó chịu cho bằng đang học ngon trớn mà bị kêu đi ăn, đi uống. Mất thì giờ, mất “tập trung”, rất khó lặp lại “không khí học tập” lúc đó. Cha mẹ quan tâm chỉ cần tăng cường vài món trẻ vẫn ưa thích hàng ngày như trứng vịt, chè đậu… Thích ăn trứng, cứ ăn, miễn là trứng không bị H5N1. Không phải vì ăn trứng gà trứng vịt mà bị không điểm đâu! Trứng rất bổ. Cũng không phải nhờ ăn chè đậu mà đậu đâu. Đậu cũng rất bổ. Tóm lại, không nên dị đoan mê tín.

5. Bác sĩ đã gặp trường hợp nào bị sa sút tinh thần, thể chất trong thời kỳ ôn thi mà có liên quan đến chế độ ăn hàng ngày chưa ạ? Nếu có, BS có thể dẫn chứng cụ thể?

Có. Thí dụ nhịn ăn nhịn uống dễ bị hạ đường huyết (hypoglycémie), tới ngày thi té xỉu trong phòng hoặc bị co giật đùng đùng phải đưa vào bệnh viện cấp cứu, rồi cho là “xui xẻo”. Có khi gần ngày thi ăn uống linh tinh bị “Táo Tháo” đuổi, ói mửa, ôm bụng chạy ra chạy vào, không còn đầu óc đâu để thi rồi cho là tại “số trời”!

Ăn, ngủ là hai chuyện rất quan trọng trong thời gian học thi. Ăn đủ, ngủ đủ là tốt nhất. Ăn đủ thì có calori để học, ngủ đủ thì não bộ được “sạc pin” tốt, không “chai”, không bị hết pin đột ngột.

6. Lời khuyên của Bác sĩ đến các sĩ tử trước áp lực thi cử sắp tới?

Thi cử? Chuyện dễ òm. Không có gì phải “ầm ỉ” cả! Đậu cũng tốt, không đậu cũng tốt. Điều quan trọng là đã thực sự cố gắng hết mình! Thua keo này bày keo khác. Không học trường này thì học trường kia. Đời còn dài. Biết ra sao ngày sau? Que sera sera. Học là chuyện suốt đời mà!

Có hai điều đáng sợ: Một là không thích học ngành này mà bị ép phải học, ép phải thi cho đậu. Thiệt là vô duyên! Có em thích làm bác sĩ, kỹ sư… nhưng cũng có em thích làm ca sĩ, họa sĩ… Nhiều em thất bại ở trường thi mà lại rất thành công ở trường đời!

Hai là cha mẹ ngày xưa thi rớt… triền miên, nay lại muốn con hay con giỏi, thi đâu đậu đó cho nở mặt nở mũi với đời! Như vậy là bất công. Cái đó là ích kỷ, là thương mình chớ không phải thương con! Cha mẹ không nên cưỡng ép con. Trong lúc học thi, cha mẹ tử tế sẽ nhắc con: Thi “chơi” thôi nha. Đậu cũng tốt, không đậu cũng tốt, miễn là con đã cố gắng hết mình thôi! Được nghe như vậy, trẻ yên tâm, chắc chắn sẽ đậu!

BS. Đỗ Hồng Ngọc trả lời Phương Nga.

Admin (Theo Internet)

 

Đăng nhập hệ thống Mail @htkqng.edu.vn



Clip nổi bật

Học sinh vi phạm Học tập