Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng - Quảng Ngãi - Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase
HTK Silde ngang

Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng

truong1

  1. BỐI CẢNH LỊCH SỬ VÀ SỰ RA ĐỜI TRƯỜNG THPT HUỲNH THÚC KHÁNG.

Trường Phổ thông Trung học bán công cấp II, III huyện Sơn Tịnh (nay là Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng) là một trong các trường bán công đầu tiên ra đời vào năm 1992 tại Tỉnh Quảng Ngãi kể từ sau ngày thống nhất đất nước năm 1975. Được sự nhất trí của Huyện Ủy và Bí Thư Huyện Ủy Huyện Sơn Tịnh Ông Võ Đức Huy (nay Ủy viên Trung Ương Đảng); sự chỉ đạo của UBND Huyện Sơn Tịnh, Chủ Tịch UBND Huyện Ông Nguyễn Đình Oanh (nay đã nghỉ hưu) và Phó Chủ Tịch UBND Huyện Ông Lê Đức Khánh (nay là Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện Ủy Sơn Tịnh) cùng với Phòng Giáo dục Sơn Tịnh đã tích cực tiến hành chuẩn bị các điều kiện để thành lập Trường. UBND Huyện Sơn Tịnh đã có đề nghị tại công văn số 350/TT-UB ngày 10/7/1992 và tờ trình số 872/KHTV ngày 23/7/1992 của Sở Giáo dục & Đào tạo Tỉnh Quảng Ngãi đồng thời được sự đề nghị của Ông Trưởng ban Tổ chức Chính quyền Tỉnh Quảng Ngãi gởi UBND Tỉnh Quảng Ngãi về việc thành lập trường Phổ thông Trung học bán công cấp II, III huyện Sơn Tịnh. Trường chính thức được UBND Tỉnh Quảng Ngãi ra quyết định thành lập:

-  Trường được thành lập theo Quyết định số 1383/QĐ-UB ngày 01/10/1992 của Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh Quảng Ngãi.

-  Danh xưng: Trường Phổ thông Trung học bán công cấp II, III huyện Sơn Tịnh (Viết tắt là Trường PTTHBC Sơn Tịnh), trực thuộc UBND Huyện Sơn Tịnh.

Danh xưng Trường PTTH Bán công Huỳnh Thúc Kháng cũng đã được đề nghị lúc ấy nhưng chưa được UBND Tỉnh Quảng Ngãi chính thức chấp thuận. Tuy thế, gọi gọn “Trường Bán công Huỳnh Thúc Kháng” cũng được nhiều người hay dùng từ lúc được thành lập. Ngày nay, người dân Sơn Tịnh còn gọi gọn hơn nữa là “Trường Huỳnh”.

-  Địa điểm: Thôn Liên Hiệp I, Thị Trấn Sơn Tịnh, Huyện Sơn Tịnh, Tỉnh Quảng Ngãi. Điện thoại 055 – 842266 (đến năm 2008, số ĐT: 055 – 3842266).

-  Trường PTTHBC Sơn Tịnh là đơn vị sự nghiệp giáo dục, được Nhà Nước giao cơ sở vật chất, địa điểm, hoạt động theo nguyên tắc hạch toán, tự cân đối thu chi từ nguồn kinh phí do cha mẹ học sinh đóng góp bằng học phí và tự nguyện.

Thời điểm 1992 vừa mới kết thúc thời kỳ bao cấp ở một số lĩnh vực của nền kinh tế, bắt đầu xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần, … đang có sự thoát khỏi thời kỳ bao cấp, chuyển mình đi lên của nền kinh tế đất nước.

Trong thời điểm lịch sử này, ra đời loại hình trường bán công còn rất lạ và hoài nghi trong tư duy bao cấp đối với nhiều người lúc ấy là một sự thử thách lớn. Xây dựng và đảm bảo sự sống còn, phát triển loại hình trường bán công là sự quyết tâm phấn đấu của Ngành Giáo dục tỉnh nhà dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ địa phương, sự chỉ đạo của các cấp Chính quyền, sự hỗ trợ của các ban ngành và ủng hộ của nhân dân địa phương.

Được sự quan tâm của UBND Huyện Sơn Tịnh và Sở Giáo dục & Đào tạo Quảng Ngãi, sự trợ giúp của Phòng Giáo dục Sơn Tịnh và Trường THPT Số 1 Sơn Tịnh trong những năm đầu thành lập, sự đồng thuận của phụ huynh học sinh trong các việc làm của nhà trường và sự nổ lực phấn đấu của giáo viên, CBNV của trường đã quyết tâm xây dựng nhà trường có nền nếp học tập và giảng dạy, chú trọng công tác quản lý chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục ngay từ đầu và thường xuyên. Đây là một trong các tiêu chí để nhà trường phát triển bền vững, có “thương hiệu”, được sự tín nhiệm của nhân dân địa phương như ngày nay.

II. CƠ CẤU TỔ CHỨC VÀ CÁC HOẠT ĐỘNG CỦA NHÀ TRƯỜNG THEO NĂM HỌC

  1. Năm học đầu tiên 1992-1993,

Năm đầu Trường chỉ có một lớp 10 với số học sinh 42 em và học nhờ tại Hội trường của Trường Đảng Huyện Sơn Tịnh;  UBND Huyện Sơn Tịnh cùng Trường PTTH Số 1 Sơn Tịnh và Phòng Giáo dục Huyện đã điều động 10 thầy cô giáo của Trường PTTH Số 1 Sơn Tịnh và 04 nhân viên của Phòng Giáo dục Sơn Tịnh làm nhiệm vụ tổ chức các hoạt động giảng dạy, chủ nhiệm và các hoạt động khác cho lớp học và Trường mới. Thầy Trần Minh Hiển Trưởng Phòng Giáo dục Sơn Tịnh kiêm nhiệm Hiệu Trưởng nhà Trường. Cô Lê Thị Thông, giáo viên của Trường  PTTH Số 1 Sơn Tịnh làm giáo viên chủ nhiệm (về sau cô Lê Thị Thông là Hiệu trưởng thứ hai của Trường cho đến ngày nay).

Phương thức tuyển sinh: Nhà trường xét tuyển các học sinh đã dự thi vào lớp 10 trong năm học nhưng không đỗ vào các trường công lập trên địa bàn Huyện Sơn Tịnh và có nguyện vọng xin học tại trường. Phương thức tuyển sinh này vẫn áp dụng cho đến năm học 2008-2009 (Năm học 2009-2010 có thay đổi)

  1. Năm học 1993-1994,
  • Về cơ sở vật chất: Phòng Giáo dục Sơn Tịnh chuyển sang làm việc chung trong cơ sở Khối vận và Trung Tâm KTTH dạy nghề của Huyện (liền kề về phía nam Trường ngày nay) và Trường được Phòng Giáo dục Sơn Tịnh nhường lại cơ sở làm việc của Phòng nguyên là Trường Tiểu học gồm một dãy 3 phòng học, 1 phòng hội đồng và các nhà kho đều loại nhà cấp 4 (địa điểm Trường ngày nay). Khuôn viên trường chỉ có tường rào phía trước, còn phía sau là đất trồng mía của cán bộ Phòng Giáo dục Sơn Tịnh.
  • Về công tác tổ chức:

-       Thầy Trần Minh Hiển Trưởng Phòng Giáo dục Sơn Tịnh kiêm nhiệm Hiệu Trưởng nhà Trường.

Phần lớn giáo viên giảng dạy được hợp đồng Giáo viên của Trường PTTH Số 1 Sơn Tịnh và bắt đầu từ năm học này mới có giáo viên biên chế của Trường. Có 03 cô giáo được nhận về thành biên chế của Trường:

-       Cô Võ Thị Minh Bình –  môn Tiếng Anh được điều động từ Trường PTTH Số 1 Sơn Tịnh về,

-       Cô Trần Thị Kiều Duyên – môn Toán chuyển từ Trường PTTH Trần Quốc Tuấn về,

-       Cô Nguyễn Thị Kim Yến – môn Văn mới tốt nghiệp Đại học Sư Phạm Qui Nhơn về.

Và sau có 01 thầy giáo về biên chế của Trường:

-       Thầy Nguyễn Lai – môn Toán chuyển từ Trường THPT Số 2 Tư Nghĩa về đảm nhiệm môn Toán thay cho cô Duyên chuẩn bị nghỉ để sinh.

Bộ phận hành chính do Anh Hòa ở Phòng Giáo dục Sơn Tịnh đảm trách, Bác Mậu là bảo vệ của Phòng Giáo dục Sơn Tịnh kiêm bảo vệ nhà trường.

  • Về học sinh: Trong năm học này, trường có 3 lớp gồm 2 lớp 10 và 1 lớp 11, tổng cộng đầu năm học có 144 học sinh và cuối năm còn 133 học sinh, nghỉ học 11 em. Nhân dịp kỷ niệm sinh nhật Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh 26/3, Trường đã tổ chức cho học sinh toàn trường tham quan Bảo tàng Quân đội và nhà lưu niệm Bác Hồ tại Đà Nẵng. Không khí học tập của trường bớt phần đơn điệu, tiếng ồn trong giờ giải lao có phần rộn rã hơn.

Trong hè 1994, Trường xây lại dãy nhà kho thành dãy 5 phòng học loại nhà cấp 4 (dãy phòng học phía bắc của Trường ngày nay), một phòng học ở đầu hồi phía đông được chọn làm phòng Hội đồng và Ban Giám hiệu.

  • Về Hội Phụ Huynh học sinh (PHHS): Từ năm học 1993-1994, Trường cùng PHHS bắt đầu thành lập Hội PHHS nhà trường. Quý phụ huynh trong Thường trực Hội PHHS lúc ấy rất nhiệt tình và ủng hộ nhà trường trong nhiều hoạt động. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi đối với nhà trường. Đặc biệt, Ông Trương Thanh Tùng – Hội trưởng Hội PHHS đầu tiên và đảm nhiệm công tác này liên tục cho đến năm học 2006-2007.
  1. Năm học 1994 – 1995,
  • Về công tác tổ chức:

Trường chính thức có Ban Giám hiệu được UBND Tỉnh Quảng Ngãi bổ nhiệm (nguyên là cán bộ, giáo viên của Trường THPT Số 1 Sơn Tịnh).

-       Hiệu Trưởng: Cô Lê Thị Thông (giảng dạy môn Địa lý).

-       Hiệu Phó: Thầy Bạch Ngọc Lâm (giảng dạy môn GDCD).

Trong năm học này, có thêm 04 giáo viên từ các trường khác chuyển về theo thứ tự trước sau

-       Thầy Trần Quang Trình – môn Lý-KTCN,

-       Cô Lương Thị Phương Thảo – môn Sử-GDCD (năm học 1997-1998 theo chồng chuyển về TP Hồ Chí Minh)

-       Thầy Lê Thanh Hải – môn Sinh-KTNN,

-       Thầy Dương Văn Thạnh – môn Văn,

Và 02 nhân viên mới của trường

-       Cô Võ Thị Phương Hoa – Kế toán,

-       Cô Lê Thị Xoan – Y tế, văn phòng, tạp vụ.

Tổng cộng số cán bộ, giáo viên và nhân viên là 12 người (1 GV đang nghỉ hộ sản).

Công tác tổ chức trong năm học này bắt đầu ổn định. Ngoài công tác giảng dạy và chủ nhiệm lớp, các nhiệm vụ khác được phân công cho các thành viên:

-       Thư ký Hội đồng Sư Phạm: Thầy Nguyễn Lai (đảm nhiệm nhiệm vụ này cho đến nay - 2009) kiêm Tổ Trưởng Tổ Tự Nhiên.

-       Bí Thư Đoàn Trường: Thầy Lê Thanh Hải.

-       Tổ Trưởng Tổ Xã hội: Cô Võ Thị Minh Bình.

-       Phụ trách Giám thị: Thầy Trần Quang Trình.

-       Phụ trách Thủ quỹ và công tác Lao động: Thầy Dương Văn Thạnh.

-       Phụ trách công tác Văn thể mỹ: Cô Nguyễn Thị Kim Yến.

-       Đảng viên gồm 02 đ/c: Cô Lê Thị Thông và Thầy Bạch Ngọc Lâm. Sinh hoạt Đảng chung với Chi Bộ Trường THPT Số 1 Sơn Tịnh.

Năm học đầu tiên tổ chức Hội nghị Cán bộ Công chức trong nhà trường. Trong Hội nghị này đã xác định nhiệm vụ phải hoàn thành, xây dựng các chỉ tiêu, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ năm học, đặt nền móng cho những năm học tiếp theo. Đặc biệt khẳng định sự tồn tại và phát triển nhà trường là cuộc sống của cán bộ, giáo viên và nhân viên trong phương thức tự chủ về kinh tế. Để cuộc sống của mỗi cán bộ, giáo viên và nhân viên ổn định và phát triển thì phải đoàn kết, tập trung trí và lực chăm chút xây dựng nhà trường.

Với sự nổ lực và tâm huyết ấy, Ban Giám hiệu và các ban ngành trong nhà trường bắt đầu vừa xây dựng vừa điều chỉnh các quy định thi đua đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh các lớp trong Trường cho phù hợp với thực tế. Cán bộ, giáo viên, nhân viên đoàn kết dưới sự chỉ đạo của Ban Giám hiệu đã tích cực xây dựng nền nếp nhà trường đi vào qui chuẩn.

  • Về cơ sở vật chất:

Cải tạo hai phòng kho cũ nằm phía bắc cổng trường làm một phòng học và phòng Y tế cùng với Tổ bộ môn. Năm học này, học sinh và giáo viên của trường bắt đầu trồng cây bóng mát sân trường ở phía trước và phía sau (hiện nay phía trước còn 01 cây bên bàng trái cổng vào trường, phía sân giữa còn hàng cây bàng, bồ đề và phượng vỹ). Trường có tổng diện tích 2.400m2.

  • Về học sinh:

Trong năm học này có 6 lớp (1 lớp 12, 1 lớp 11 và 4 lớp 10), tổng số đầu năm học có 227 học sinh và cuối năm còn 224 học sinh, nghỉ học 3 em. Năm học đầu tiên có 41 học sinh dự thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông và đã đạt được tỷ lệ tốt nghiệp khá khả quan. Sự sinh hoạt học tập có sinh khí, nền nếp đi vào ổn định và phát triển.

Từ năm học này, hằng năm nhân ngày giỗ Cụ Huỳnh Thúc Kháng, học sinh nhà trường đến chăm sóc và viếng mộ Cụ Huỳnh Thúc Kháng tại đỉnh núi Thiên Ấn, Quảng Ngãi.

  • Về công tác chuyên môn:

Đa số các môn học đều do giáo viên biên chế của trường giảng dạy, điều đó đã giúp cho nhà trường chủ động trong công tác giảng dạy, thực hiện kế hoạch chuyên môn đã đề ra và bước đầu quản lý chất lượng giáo dục. Quản lý và đánh giá chất lượng giáo dục thường xuyên là một trong những chiến lược vừa trước mắt và vừa lâu dài lâu dài để xây dựng đội ngũ giáo viên giảng dạy và chủ nhiệm vững tay nghề, xây dựng nhà trường phát triển bền vững.

  1. Năm học 1995 – 1996,
  • Về danh xưng: Từ ngày 05/9/1995, tên Trường Phổ thông Trung học bán công cấp II, III huyện Sơn Tịnh (Viết tắt là Trường PTTHBC Sơn Tịnh) được đổi thành Trường Phổ thông Trung học bán công Huỳnh Thúc Kháng (gọi tắt là Trường Huỳnh Thúc Kháng) theo quyết định số 1347/QĐ-UB ngày 05/9/1995 của UBND Tỉnh Quảng Ngãi.

Đến ngày 22/01/2001, tên Trường Phổ thông Trung học bán công Huỳnh Thúc Kháng đổi thành Trường Trung học Phổ thông bán công Huỳnh Thúc Kháng, trực thuộc Sở theo Quyết định số 39/2001/QĐ-UB ngày 22/02/2001 của UBND Tỉnh Quảng Ngãi. Danh xưng này cho đến năm 2005 có điều chỉnh theo Luật Giáo dục, gọi là Trường Trung học Phổ thông Huỳnh Thúc Kháng (gọi tắt là Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng). Như vậy, trước 22/01/2001 Trường trực thuộc UBND Huyện Sơn Tịnh. Từ 22/01/2001, Trường trực thuộc Sở Giáo dục & Đào tạo Quảng Ngãi.

  • Về công tác tổ chức:

Giáo viên chuyển về biên chế của trường: Nguyễn Hữu Bàng (Toán, nghỉ hưu năm 2008), hợp đồng một số giáo viên giảng dạy tại trường.  Tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên của Trường là: 20 người.

  • Về cơ sở vật chất:

Xây thêm được một phòng học ở phía nam của trường (sát với dãy phòng học của Trung tâm KTTH dạy nghề Sơn Tịnh, lúc ấy còn cơ sở chung với Khối vận. Phòng học này ngày nay không còn, nhường chỗ lại cho không gian được mở rộng ra khu vực phía nam sát với Khối vận ngày nay). Tổng số phòng học: 09, phòng Hội đồng sư phạm, Tổ chuyên môn và Phó Hiệu trưởng: 01, Phòng Hiệu Trưởng và Kế toán, văn thư: 01. Cơ sở vật chất còn quá thiếu thốn nhưng nhà trường vẫn đảm bảo các hoạt động giáo dục và dần từng bước xây dựng khang trang như ngày nay.

  • Về công tác chuyên môn:

Năm học đầu tiên Giáo viên của Trường tham dự Hội thi thiết bị dạy học tự làm Ngành Giáo dục – Đào tạo Quảng Ngãi lần thứ II năm 1995 do Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ngãi tổ chức và 03 đồ dùng day học đạt giải ba:

-  Môn Địa: Sơ đồ cơ cấu công nghiệp Việt Nam của Cô Hiệu Trưởng Lê Thị Thông

-  Môn Toán: Đồ dùng dạy hình học không gian của Thầy Nguyễn Lai.

-  Môn Vật Lý: Dụng cụ phát điện xoay chiều của Thầy Trần Quang Trình.

(theo quyết định số 152/GDPT của Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ngãi, Hội thi có 229 đồ dùng đạt giải nhất, nhì, ba cho các cấp học Mầm non, Tiểu học, THCS, THPT, KTTH Dạy nghề trong toàn tỉnh).

Thành tích trên tuy còn rất khiêm tốn so với thành tích của nhiều trường trong tỉnh nhưng qua việc chuẩn bị đồ dùng dự thi, Hội đồng Sư phạm nhà trường đã ghi được điều đáng quý trong mỗi cá nhân, đó là tinh thần đoàn kết, quan tâm giúp đỡ nhau về chuyên môn, chia xẻ kinh nghiệm và cùng nhau thực hiện vì danh dự của Nhà trường (Lúc bấy giờ, nhiều đồng nghiệp ở trường công lập đánh giá không mấy thiện cảm đối với Trường bán công bằng câu nói: “ Bán công mà!”)

  • Về học sinh:

Trong năm học này tăng thêm 9 lớp 10, tổng số có 14 lớp (2 lớp 12, 3 lớp 11 và 9 lớp 10), tổng số đầu năm học có 607 học sinh và cuối năm còn 561 học sinh, nghỉ học 46 em. Đây là năm học có tỷ lệ học sinh nghỉ học nhiều nhất so với các năm học trước (8,2%) nhưng tỷ lệ tốt nghiệp PTTH đạt khá khả quan.

Học sinh lớp 12C1, trước khi ra trường đã tặng nhà trường bức chân dung Cụ Huỳnh Thúc Kháng được vẽ trên vải (ngày nay được đặt trang trọng bên cạnh tượng Bác Hồ trong phòng Hội đồng Sư phạm nhà trường).

Năm học đầu tiên nhà trường tổ chức Đố vui để học cùng với các hoạt động thể thao sôi nỗi đối với các em học sinh trong trường nhân kỷ niệm Ngày thành lập Đoàn 26/3. Và lần thứ hai, trường chọn các học sinh đưa đi tham quan Bảo Tàng Quân Khu V nhân Kỷ niệm Ngày thành lập Quân Đội Nhân Dân Việt nam 22/12.

Từ năm học này, học sinh các lớp sinh hoạt văn nghệ ở 15 phút sinh hoạt đầu buổi của thứ ba hằng tuần. Các 15 phút đầu buổi khác, GVCN hướng dẫn học sinh củng cố các kiến thức căn bản (đặc biệt phần Toán căn bản). Nhà trường duy trì và củng cố các hoạt động này vì đặc điểm chất lượng học sinh xét tuyển vào trường hằng năm có mặt bằng thấp nhưng chất lượng tốt nghiệp ra trường không có biệt lệ nào dành riêng cho học sinh của trường. Phải lấy lại những gì mà các em đã tự đánh mất qua công việc làm hằng ngày của giáo viên trong trường.

  1. Năm học 1996-1997:

+ Các GV về trường từ năm học này: Đỗ Tấn Ngọc (Văn), Nguyễn Huy Hoàng (Anh), Trần Quang Hồng (Toán), Lương Thành Hưng (Lý-KTCN), Trần Thanh Long (Lý-KTCN), Nguyễn Thị Lê Minh (Hóa, năm học 2000-2001 theo chồng chuyển về Quảng Trị), Nguyễn Văn Luận (Thể dục). Trường có 18 lớp với 870 học sinh.

+ Số lượng đồ dùng dạy học tự làm tham dự Hội thi thiết bị dạy học tự làm Ngành Giáo dục – Đào tạo Quảng Ngãi lần thứ III tháng 12 năm 1996 do Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ngãi tổ chức và số đạt giải cao có nhiều hơn so với năm 1995.

+ Bí thư Đoàn Trường: Trần Quang Hồng (từ 1996 đến 2003). Lần đầu tiên Đoàn trường tổ chức cho học sinh toàn trường cắm trại và các hoạt động dã ngoại tại đỉnh núi Thiên Ấn nhân Ngày thành lập Đoàn 26/3. Các năm học sau và cho đến nay, chưa tổ chức hình thức này ở bên ngoài nhà trường.

  1. Năm học 1997-1998:

+ GV về trường từ năm học này: Nguyễn Trọng Nguyễn (Anh). Trường có 22 lớp với 1083 học sinh.

+ Từ năm học này, Trường nhận phụng dưỡng một Mẹ Việt Nam anh hùng Đinh Thị Phượng ở xã Tịnh Trà, Huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi.

  1. Năm học 1998-1999:

+ Tổng số CB, GV, nhân viên: 26 người và 10 GV hợp đồng thỉnh giảng. Các GV về trường từ năm học này: Bùi Tấn Nam (Văn), Nguyễn Thị Thu Ngân (Hóa), Nguyễn Thị Hương Trà (Anh), Lê Thị Kim Cương (Sinh-KTNN). Trường có 23 lớp với 1135 học sinh.

+ Năm học đầu tiên, trường tổ chức thi GV dạy giỏi cấp trường. Có  04 GV dự thi và 4/4 đạt danh hiệu GVDG cấp trường .

+ Số lượng đồ dùng dạy học tự làm phục vụ cho công tác giảng dạy: 17 đồ dùng  (Tổ Tự nhiên: 4 đồ dùng , Tổ Xã hội: 13 đồ dùng ).

+ Hoạt động Đoàn: kết nạp thêm 263 đoàn viên mới. Năm đầu tiên Đoàn Trường được Tỉnh Đoàn Quảng Ngãi công nhận Đoàn Trường xuất sắc cấp Tỉnh hạng ba.

+ Hai lần học sinh toàn trường tham gia lao động nạo vét, tu sửa kênh mương Thạch Nham trên địa bàn Huyện Sơn Tịnh.

+ Khen thưởng: Tỉnh khen: 4, Sở khen: 6, CSTĐ cấp cơ sở: 7, LĐG: 22. Tổ LĐG: 3.

  1. Năm học 1999-2000:

+ Tổng số CB, GV, nhân viên: 27 người và 18 GV hợp đồng thỉnh giảng. Các GV về trường từ năm học này: Phan Nguyễn Hoàng Thuyên (Anh), Lê Thị Kim Chung (Anh), Trần Thanh Hậu (Sử-GDCD), Nguyễn Thị Khánh Hoa (Sử-GDCD), Đinh Thị Thúy Lan (Văn, thôi việc năm 2008 và bị bệnh chết năm 2009), Nguyễn Ngọc Khoa (Toán, năm học 2002-2003 chuyển về dạy tại Trường Chuyên Lê Khiết, Quảng Ngãi), Trương Thị Thu Nguyệt (Văn thư). Trường có 26 lớp với 1337 học sinh.

+ Thi GVDG cấp Trường đạt 6/6. Một thầy giáo đạt GVDG cấp Tỉnh.

+ Tổ chức thi đồ dùng dạy học tự làm cấp trường: 25/31 đồ dùng đạt giải.

+ Năm thứ hai liên tiếp Đoàn Trường được Tỉnh Đoàn Quảng Ngãi công nhận Đoàn Trường xuất sắc cấp Tỉnh hạng ba.

  1. Năm học 2000-2001:

+ Tổng số CB, GV, nhân viên: 34 người và  19 GV hợp đồng thỉnh giảng. Các GV về trường từ năm học này: Nguyễn Đăng Dung (Toán), Nguyễn Thanh Tân (Thể dục). Trường có 30 lớp với 1472 học sinh.

+ Đầu tư xây dựng  và đưa vào sử dụng dãy phòng học hai tầng (nay là khu vực hiệu bộ ở phía Tây từ cổng chính nhìn vào) và mở rộng diện tích 1790m2 về phía nam (nay là sân giữa ở phía sau Khối vận).

+ Tham gia Hội diễn Văn nghệ Ngành Giáo dục tỉnh Quảng Ngãi, đạt giải ba toàn đoàn.

+ Thi GVDG cấp Trường đạt 5/5. Dự thi GVDG cấp tỉnh đạt 3/3.

+ Có hai báo cáo chuyên đề bộ môn (Tiếng Anh và môn Văn) ở Sở GD&ĐT Quảng Ngãi và được đánh giá cao.

+ Đoàn Trường được Tỉnh Đoàn Quảng Ngãi công nhận Đoàn Trường vững mạnh cấp Tỉnh hạng hai.

+ Khen thưởng: Bộ khen: 1, Tỉnh khen: 5, Sở khen: 6, CSTĐ cấp cơ sở: 7, LĐG: 31.

  1. Năm học 2001-2002:

+ Tổng số CB, GV, nhân viên: 37 người và  23 GV hợp đồng thỉnh giảng. Các GV về trường từ năm học này: Trần Quang Nguyên (Toán), Hồ Thị Việt Trường (Toán), Đỗ Thanh Văn (Lý-KTCN), Phạm Thị Lệ Hằng (Lý-KTCN). Trường có 34 lớp với 1506 học sinh.

+ Xây dựng và đưa vào sử dụng dãy nhà hai tầng với 6 phòng học ở phía nam và mở rộng diện tích 1353m2 làm sân dạy thể dục cho học sinh.

+ Thi GVDG cấp Trường đạt 6/6. Dự thi GVDG cấp tỉnh đạt 2/3.

+ Năm học đầu tiên tổ chức thi học sinh giỏi bộ môn cấp trường, có 19 em đạt giải từ khuyến khích đến giải nhì. Cử 04 học sinh dự thi học sinh giỏi bộ môn cấp Tỉnh và đạt 1 em: Nguyễn Thị Hiếu (12C6).

+ Tham gia Hội thi GV thanh lịch Ngành Giáo dục do Sở GD&ĐT Quảng Ngãi tổ chức, 1đạt giải khuyến khích và 1 đạt giải nhì. Đội GV của trường đạt giải ba trong Hội thi tìm hiểu Tư tưởng Hồ Chí Minh do Huyện Ủy Sơn Tịnh tổ chức.

+ Hoạt động Đoàn: kết nạp thêm 175 đoàn viên mới. Đoàn Trường được Tỉnh Đoàn Quảng Ngãi công nhận Đoàn Trường vững mạnh cấp Tỉnh hạng hai. Tổ chức Hội thi học sinh thanh lịch nhân kỷ niệm Ngày thành lập Đoàn 26/3.

+ Học sinh tham dự Hội khỏe Phù Đổng Ngành Giáo dục tỉnh Quảng Ngãi, đạt: giải ba môn bóng đá nữ, 1 huy chương đồng và 1 huy chương bạc môn điền kinh.

  1. Năm học 2002-2003:

+ Tổng số CB, GV, nhân viên: 59 người (trong đó có 15 hợp đồng). Các GV về trường từ năm học này: Võ Thị Hồng Sen (Sinh-KTNN), Nguyễn Đắc Vương (Địa), Từ Tấn Phúc (Hóa), Lê Thị Thúy Liễu (Văn),  Đinh Duy Minh (Toán), Phan Thái Sơn (Văn, năm 2005 Trường cho đi học Cao học tại Đại học Qui Nhơn và hoàn thành năm 2008, nghỉ việc 2008).

+ Giải tỏa 2 dãy nhà cấp 4 (xây dựng trước 1975, tiếp nhận từ năm 1993 làm phòng học và làm việc của Hội đồng Sư phạm nhà trường), xây dựng dãy nhà 2 tầng làm phòng học và thư viện của trường.

+ Năm học này, quy mô trường đã phát triển lớn, có 34 lớp học với 1651 học sinh và cần thiết tăng cường trong công tác quản lý và điều hành. Năm 2002, Trường được UBND Tỉnh bổ nhiệm Thầy Lương Thành Hưng – Tổ Trưởng Tổ Tự Nhiên của Trường làm Phó Hiệu Trưởng.

+ Thi GVDG cấp Trường đạt 18/37. Đạt giáo viên giỏi: 1 cấp tỉnh, 11 cấp cơ sở. CSTĐ cấp tỉnh: 2, CSTĐ cấp cơ sở: 1. Tỉnh khen: 1, Sở khen: 3.

+ Bồi dưỡng HS dự thi HSG bộ môn cấp trường, cấp tỉnh: 02 học sinh đạt HSG môn Sử cấp tỉnh. Có đội học sinh dự thi Giải toán trên máy tính bỏ túi cấp cấp tỉnh.

+ Bí thư Đoàn trường: Nguyễn Trọng Nguyễn (từ 2003). Đoàn Trường được Tỉnh Đoàn Quảng Ngãi công nhận Đoàn Trường vững mạnh cấp Tỉnh hạng hai.

  1. Năm học 2003-2004:

+ Tổng số CB, GV, nhân viên: 47 người (22 nữ, 39 GV) và  13 GV hợp đồng thỉnh giảng. Các GV về trường từ năm học này: Dương Văn Nam (Địa), Nguyễn Hoài Bảo (Hóa), Lê Văn Linh (Sử-GDCD), Đỗ Thị My Muội (Tiếng Anh, bị bệnh chết năm 2006), Bùi Thị Trang (Hóa). Trường có 36 lớp với 1874 học sinh.

+ Bồi dưỡng HS dự thi HSG bộ môn cấp trường có 106 em đạt giải, cấp tỉnh: 03 học sinh đạt giải.

+ Thi GVDG cấp Trường đạt 14. Dự thi GVDG cấp tỉnh đạt 5.

+ Khen thưởng: Tỉnh khen: 3, Sở khen: 5, CSTĐ cấp cơ sở: 4, LĐG: 38, GVG cơ sở: 10.

  1. Năm học 2004-2005:

+ Tổng số CB, GV, nhân viên: 53 người (23 nữ, 47 GV) và  15 GV hợp đồng thỉnh giảng. Các GV về trường từ năm học này:  Võ Thế Thiện (Tin), Nguyễn Thị Liên (Toán), Nguyễn Văn Hùng (Lý-KTCN), Nguyễn Hoàng Nhân (Toán-Tin), Trần Thị Thanh Thảo (Anh), Tôn Thị Cẩm Thuần (Toán).Trường có 42 lớp với 2269 học sinh.

+ Bồi dưỡng HS dự thi HSG bộ môn cấp trường có 98/276 em đạt giải, cấp tỉnh: 18 học sinh đạt giải.

+ Tổ chức các đội học sinh tham dự các hoạt động ở cấp Tỉnh do Sở GD&ĐT Quảng Ngãi tổ chức: đạt giải nhất toàn đoàn tại Hội thi vẽ tranh cổ động phòng chống ma túy, HIV, AIDS trong học đường, đạt giải nhì toàn đoàn trong Hội thi An toàn giao thông. Một trong 10 đơn vị được Sở GD&ĐT Quảng Ngãi khen thưởng trong đợt thi Hội khỏe Phù Đổng.

+ Hoạt động Đoàn: kết nạp thêm 513 đoàn viên mới. Đoàn Trường được Tỉnh Đoàn Quảng Ngãi công nhận Đoàn Trường vững mạnh cấp Tỉnh hạng nhất.

+ Thi GVDG cấp Trường đạt 15. Dự thi GVDG cấp tỉnh đạt 3.

+ Khen thưởng: Bộ khen: 1, Tỉnh khen: 2, Sở khen: 5, CSTĐ cấp tỉnh: 3,  CSTĐ cấp cơ sở: 5, GVG cơ sở: 17, GVG cấp tỉnh: 1. Tổ bộ môn đạt LĐXS: 2, LĐG: 3.

  1. Năm học 2005-2006:

+ Tổng số CB, GV, nhân viên: 54 người (23 nữ, 50 GV) và  20GV hợp đồng thỉnh giảng. Các GV về trường từ năm học này:  Nguyễn Thành Quý (Sử-GDCD), Phạm Thị Kim Phúc (Toán -Tin), Đặng Xuân Hùng (Tin), Võ Kim Hoàng (Lý-KTCN), Đoàn Thị Minh Tâm (Văn). Trường có 44 lớp với 2549 học sinh.

+ Xây dựng và đưa vào sử dụng 2 phòng học (nối với dãy phòng học ở phía tây) và mở rộng diện tích nhà trường.

+ Bồi dưỡng HS dự thi HSG bộ môn cấp trường có 113 em đạt giải, cấp tỉnh: 44 học sinh đạt giải (6 giải nhì, 10 giải ba, 29 giải khuyến khích).

+ Thi GVDG cấp Trường đạt 13/13.

+ Khen thưởng: Bộ khen: 1, Tỉnh khen: 3, Sở khen: 7.

  1. Năm học 2006-2007:

+ Tổng số CB, GV, nhân viên: 68 người và  20GV hợp đồng thỉnh giảng. Các GV về trường từ năm học này: Trần Thị Ngọc Quỳnh (Anh), Dương Thị Thu Thúy (Lý-KTCN), Nguyễn Thị Nhân (Sử-GDCD), Trương Văn Bình (Toán), Trương Thị Thu Thủy (Văn), Lương Thanh Tịnh (Hóa), Trần Thị Thu Hà (Anh), Lê Huyền Chung (Thể dục).Trường có 50 lớp với 2803 học sinh.

+ Bồi dưỡng HS dự thi HSG bộ môn cấp trường có 151 em đạt giải, cấp tỉnh: 14 học sinh đạt giải ( 5 giải ba, 9 giải khuyến khích) trong đó 2 học sinh đạt giải ba môn Giải toán trên MTBT cấp tỉnh.

+ Thi GVDG cấp Trường đạt 16.

+ Khen thưởng: Bộ khen: 1, Tỉnh khen: 3, Sở khen: 7.

  1. Năm học 2007-2008:

+ Tổng số CB, GV, nhân viên: 74 người (23 nữ, 64 GV) và  20GV hợp đồng thỉnh giảng. Các GV về trường từ năm học này: Trần Thị Minh Trang (Anh), Nguyễn Viết Hòa (Văn), Phạm Thị Hy (Hóa), Phan Thị Kim Anh (Sinh), Đinh Thị Thuận (Toán). Trường có 53 lớp với 2939 học sinh.

+ Bồi dưỡng HS dự thi HSG bộ môn cấp trường có 111 em đạt giải, cấp tỉnh: 10 học sinh đạt giải ( 2 giải nhì, 3 giải ba, 5 giải khuyến khích). Có 5 học sinh đạt giải ( 2 giải nhì và 3 giải ba) môn Giải toán trên MTBT cấp tỉnh.

+ Thi GVDG cấp Trường đạt 14.

+ Khen thưởng: Bộ khen: 1, Tỉnh khen: 3, Sở khen: 7.

  1. Năm học 2008-2009:

+ Tổng số CB, GV, nhân viên:  người (    nữ,    GV) và      GV hợp đồng thỉnh giảng. Các GV về trường từ năm học này: Mai Thị Hiệp (Thư viện), Trương Thị Tuyết Hồng (Sinh), Phạm Thị Thuận (Hóa), Dương Thị Sâm (Lý), Nguyễn Thị Thu Hà (Sử - GDCD), Nguyễn Hồng Phong (Địa), Võ Hồng Noen (Văn), Nguyễn Duy Khánh (Toán), Lý Cao Cường (Thể dục), Nguyễn Thị Thu (Thể dục), Đỗ Thành Nhân (Toán), Nguyễn Duy Thành (Tin), Võ Hồng Lăng (Anh), Lê Văn Hanh (KTCN), Tôn Ngọc Vinh (Thể dục). Trường có 54 lớp với 2974 học sinh.

 

  1. Năm học 2009-2010:

+ Tổng số CB, GV, nhân viên:  người (    nữ,    GV) và      GV hợp đồng thỉnh giảng. Các GV về trường từ năm học này: Phù Trọng Hưng (Toán), Trần Nghĩa Sơn (Tin), Trần Thị Thu Hoa (Văn), Nguyễn Thị Việt Kiều (Hóa), Đỗ Thị Ngọc Thanh (Văn), Nguyễn Khánh Hoàng (Thể dục), Trương Quang Trần Cường (Thể dục), Phan Thị Kim Chiêu (Văn), Vũ Thị Phi (Sinh-KTNN), Dương Thị Nữ (Toán), Phan Quang Duy (Lý-KTCN ). Trường có 55 lớp với 2974 học sinh.

+ Năm học này, Nhóm Thể dục – Quốc phòng được tách khỏi Tổ Hóa – Sinh – Thể dục lập thành Tổ Thể dục – Quốc phòng, GV Nguyễn Thanh Tân làm Tổ Trưởng.

+ Năm học này, Trường được UBND Tỉnh bổ nhiệm thêm một Phó Hiệu Trưởng. Thầy Trần Quang Hồng nguyên là Tổ Trưởng Tổ Toán được bổ nhiệm làm Phó Hiệu Trưởng và Tổ Trưởng Tổ Toán do Cô Hồ Thị Việt Trường đảm nhiệm.

Đăng nhập hệ thống Mail @htkqng.edu.vn



Clip nổi bật

Học sinh vi phạm Học tập